“THE DARK TRIAD” – VÌ SAO NHỮNG KẺ HIỂM ĐỘC LẠI ĐƯỢC COI TRỌNG?


🔎 Đôi khi, những kẻ sai trái lại được coi trọng. Tâm lý học gọi nhóm người này là “the dark triad” – tức “bộ ba tăm tối”. Những kẻ này có thể là loại người dối trá, lừa lọc, vô tắc trách mà các nhà tâm lý gọi chung họ với cái tên “xảo quyệt” (machiavellian). Nhóm thứ hai là nhóm bốc đồng hay nhăm nhe làm việc xấu mà không hề cảm thấy tội lỗi, tâm lý học gọi là nhóm người mắc chứng rối loạn đa nhân cách (psychopathic). Nhóm thứ ba là nhóm chỉ luôn nghĩ đến lợi ích của bản thân, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, có hành vi tự cao tự đại, cùng với tham vọng thành công chói sáng trong mọi lĩnh vực – tâm lý học gọi là người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic).
Ngày nay, có rất nhiều người khởi nghiệp và thất bại. Có nhiều kiểu thất bại khác nhau, nhưng một trong những thất bại đau đớn nhất trên con đường khởi nghiệp đó chính là chọn sai đồng đội. Một trong những sai lầm lớn nhất khi chọn đồng đội đó là tin dùng những người mang đặc tính của “bộ ba tăm tối”. Trong tổ chức, nếu có những người thuộc “bộ ba tăm tối”, rất có thể đó là nguy cơ khiến tổ chức đó bị phá hoại hoàn toàn. Nếu một người có những mối quan hệ mà người đó mang đặc tính thuộc về “bộ ba tăm tối”, rất có thể người đó cũng sẽ phải trả giá vì tin nhầm người. Phạm vi bài dịch này tập trung lý giải nguyên nhân vì sao nhóm “bộ ba tăm tối” được coi trọng, đặc biệt là nơi công sở, cũng như là phương pháp để những người trung thực, bình thường có thể phòng tránh và chống lại nhóm “nguy hiểm” này.
Những người có một đặc điểm tính cách hoặc nhiều hơn trong bộ “bộ ba tăm tối” trên sẽ cực kỳ nguy hiểm. Họ có xu hướng hay đi lừa lọc, gian lận hoặc lợi dụng người khác. Không những thế, họ còn đưa ra những quyết định trái với nội quy nguyên tắc. Điều này gây ra nhiều sự thất vọng cho những người trung thực và chân thành khi cứ phải ngậm ngùi nhìn những kẻ xấu ấy hiên ngang lộng hành. Tại sao lại như vậy? Liệu sự xấu xa ấy có ngày càng gia tăng theo từng cấp bậc không? Những kẻ nham hiểm như vậy gặt hái nhiều thành công bằng cách nào?
👉 Vì Sao “Bộ Ba Tăm Tối” Lại Được Coi Trọng?
➡️ Lý do chung duy nhất của họ đó chính là “Kỹ năng chính trị” (political skill)
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên trên tạp chí Personality and Individual Differences có bàn tới chủ đề sự ảnh hưởng của “kỹ năng chính trị” (political skill) của nhân viên nơi công sở. Về mặt tích cực, những kỹ năng chính trị là khả năng tương tác xã hội giúp con người có được sự kết nối, là cách một người tạo sự ảnh hưởng đến những người khác, có những sự sắc sảo trong giao tiếp ngoài xã hội, và thể hiện được sự chân thành trong cách đối nhân xử thế.
Một khảo sát 110 nhân viên công sở ở nhiều cấp bậc, cơ sở doanh nghiệp khác nhau ở Singapore, họ được giao cho thử thách là tự đánh giá kỹ năng chính trị nơi công sở của chính mình. Những số liệu này được đánh giá dựa trên tháng đánh giá yếu tố H của nhân cách. Mức điểm cao sẽ biểu thị cho sự trung thực, khiêm tốn. Mức điểm thấp sẽ biểu thị thực tế tương đương với một trong những đặc điểm của “bộ ba tăm tối”. Và cuối cùng, các nhà nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát các cấp trên của những người nhân viên này.
Sau cuộc khảo sát, kết quả cho thấy những kẻ “tăm tối” với kỹ năng chính trị được cấp trên đánh giá cao lại thường có biểu hiện bên ngoài rất tốt. Hay nói cách khác, không phải tất cả những kẻ “tăm tối” đều là người có kỹ năng chính trị, nhưng họ lại biết cách sử dụng kỹ năng chính trị rất hiệu quả trong mắt của sếp. Nhờ thế đối với sếp, họ luôn là những người “có sự thể hiện tốt” trong công việc. Và như chúng ta đều biết, những ai có thể hiện tốt hơn thì người đó chắc chắn sẽ được coi trọng.
👉 Làm Thế Nào Để Ngăn Chặn Những Kẻ “Hiểm Độc”?
Vậy có cách nào để ngăn chặn những kẻ “hiểm độc” này hay không? Các nhà nghiên cứu tâm lý học, với những kiến thức hiểu biết về đánh giá nhân cách và hành vi con người của mình, đã có những phương án và giải pháp giúp sớm nhận biết được những kẻ “hiểm độc” này. Thế nhưng nếu như chúng thành thạo kỹ năng chính trị và biến nó thành các “thủ đoạn chính trị” thì việc đó lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Một trong phương án hữu ích đó là cấp trên có thể khảo sát những người đồng nghiệp và cấp dưới của người đó trước khi quyết định đề bạt ứng cử. Bởi lẽ rất có thể những kẻ này sẽ cư xử khác hẳn với đồng nghiệp và cấp dưới như khi hành xử với sếp – người có quyền lực thực sự.
Nhưng cũng nên nhớ rằng đôi khi những đặc điểm nhân cách khó lường này có thể rất hữu dụng cho một cơ quan, tổ chức nào đó trong một vài hoàn cảnh. Hãy tưởng tượng bạn cần một người đa năng giống James Bond biết tính toán những phần việc khó một cách gan dạ, logic và không hề bị cảm xúc chi phối. Ví dụ, một hãng công ty đang cần phải giảm bớt nhiều khía cạnh tiêu cực nếu như muốn tồn tại trên thương trường. Trong tình thế bắt buộc phải cắt giảm nhân viên, hầu như nhiều nhà quản lý hay gặp phải gánh nặng về cảm xúc, còn đối với các quản lý của “bộ ba tăm tối” – họ không có nhiều sự thấu cảm và thậm chí vô cảm thì đây không phải là vấn đề ảnh hưởng đến họ. Hoặc một tình huống khác, bạn có thể rất cần có một chuyên viên tư vấn kỹ thuật, mặc dù anh ta hơi có tính ái kỷ (người này sẽ rất biết thể hiện bản thân và có những tham vọng lớn lao có thể giúp cho công việc của bạn tốt lên). Là những người quản lý giỏi, bạn phải tìm ra cách đối phó với những loại người như thế này trong khi vừa kiểm soát ảnh hưởng của họ lên những người xung quanh.
👉 Hướng Đi Nào Cho Những Người Tốt Thực Sự?
Vậy còn đối với những người có phẩm chất trung thực, khiêm tốn – lẽ nào họ cứ mãi bị những kẻ có nhân cách xấu này vượt mặt hay sao? Không cần thiết phải như vậy. Bởi vì những kẻ ấy có khả năng sử dụng kỹ năng chính trị rất thành thục nhưng để nhằm phục vụ cho mục đích của riêng họ. Trong một nghiên cứu khoa học, một khi những người bình thường cũng biết cách sử dụng kỹ năng chính trị thành thạo thì sẽ không có sự khác biệt nào trong bảng xếp hạng trung bình hiệu suất làm việc giữa những kẻ “hiểm độc” với những người trung thực, khiêm tốn cả. Khi điều kiện ở thời điểm thuận lợi, những người trung thực, khiêm tốn có thể còn gặt hái được thành công lớn hơn cả những người xấu kia (nhấn mạnh đặc biệt vào yếu tố kiểm soát kỹ năng chính trị). Điều này chính là lời giải đáp cho lý do vì sao cũng có rất nhiều người tốt vượt lên chính mình và đạt được thành công nhất định.
➡️ Nếu bạn nằm trong nhóm người trung thực, khiêm tốn mà chưa đạt được thành công, các nhà nghiên cứu trong cuộc khảo sát này đưa ra lời khuyên cho bạn rằng bạn có thể tạo được con đường đi đến thành công của bản thân bằng cách học hỏi và xây dựng những kỹ năng chính trị. Hãy tạo dựng một mạng lưới mối quan hệ cho chính mình với nhiều nhóm người chủ chốt khác nhau cả ở bên trong lẫn bên ngoài tổ chức. Hãy trình bày thành thật về một vấn đề mà mình quan tâm cho những người khác (theo một cách thật rõ ràng và chi tiết với họ bởi nếu không có người nào chú ý đến thì điều này cũng trở nên vô ích). Hãy chủ động lắng nghe ý kiến của mọi người và hỏi về những kỹ năng cũng như sở thích riêng của họ. Nếu bạn xây dựng được mối quan hệ tốt với mọi người, họ sẽ càng sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bạn hơn.
Kỹ năng chính trị là thứ có thể học và rèn luyện dần dần được. Nếu bạn sử dụng nó với mục đích cải thiện bản thân và cải thiện các mối quan hệ trong xã hội, nó sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của chính mình và tăng cường lợi ích cho doanh nghiệp nơi bạn đang làm việc.
Nguồn: Harvard Business Review
Bài dịch và biên tập: tamly.blog

  • Các bạn có thể đọc thêm về “The dark triad” (“bộ ba tăm tối”) trong cuốn sách “Kẻ Ác Cạnh Bên” do TGM Books phát hành.

Related Posts